Ngày 03 tháng 6 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”
Bộ Thông tin và Truyền thông là một trong những cơ quan chủ chốt được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì, và phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai thực hiện “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó, có nhiệm vụ quan trọng là “tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm chuyển đổi nhận thức, tạo nền móng cho Chuyển đổi số quốc gia” đến các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và toàn dân.
Đây là một nhiệm vụ quan trọng, bởi không thể thực hiện thành công “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nếu không triển khai tốt công tác thông tin, tuyên truyền về chuyển đổi số nhằm cung cấp thông tin và nhận thức về chuyển đổi số cho toàn xã hội; giúp cho toàn dân hiểu biết về nội dung chuyển đổi số, vai trò của chuyển đổi số đối với sự phát triển của đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ và tác động sâu sắc đến mọi mặt: chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, lối sống… của nhân loại.
Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc, và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Ở cấp độ quốc gia, chuyển đổi số là chuyển đổi chính phủ số, kinh tế số và xã hội số quốc gia. Ở cấp độ địa phương, chuyển đổi số là chuyển đổi sang chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn địa phương. Địa phương chuyển đổi số thành công sẽ đóng góp vào thành công chung của chuyển đổi số quốc gia.
Do vậy, chuyển đổi số là nhiệm vụ cần sự vào cuộc quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương. Chuyển đổi số còn là cuộc cách mạng của toàn dân. Chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi một người dân tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Chuyển đổi số tạo ra cơ hội cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo tiếp cận dịch vụ trực tuyến một cách công bằng, bình đẳng và nhân văn rộng khắp, “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số đã bắt đầu diễn ra từ những năm trước, bắt đầu từ các ngành: tài chính, giao thông, du lịch... Chính phủ và chính quyền các cấp cũng đã nỗ lực xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số từ nhiều năm trước. Hơn 30 thành phố ở Việt Nam đã và đang định hướng xây dựng “thành phố thông minh” (Smart City) với các nền tảng công nghệ mới. Nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào các sàn thương mại điện tử để gia tăng năng lực kinh doanh và doanh thu, nhiều cá nhân cũng đã tự tìm cho mình một lối đi mới trong sản xuất, kinh doanh bằng cách tham gia vào quá trình chuyển đổi số và đã thu được những thành quả ban đầu.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có nhiều người nhận thức đúng đắn về vai trò, hiệu quả của chuyển đổi số để có chiến lược đầu tư thích hợp về nguồn lực, nhân lực và tài lực. Đặc biệt, nhiều địa phương, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp… do chưa thực sự hiểu chuyển đổi số là gì? chuyển đổi số diễn ra như thế nào? hiệu quả mà quá trình chuyển đổi số mang lại ra sao? nên còn chần chừ chưa tham gia vào chuyển đổi số, hoặc không biết nên bắt đầu chuyển đổi số từ đâu?
Tập sách nhỏ này tập hợp 35 câu chuyện về chuyển đổi số đã và đang diễn ra ở Việt Nam trên cả ba lĩnh vực: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, với sự tham gia của nhiều tổ chức, thành phần trong xã hội Việt Nam: từ chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể xã hội; cho đến các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể; trong tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; với sự tham gia của rất nhiều thành phần dân cư; diễn ra trên khắp lãnh thổ Việt Nam, từ thành thị đến thôn quê, từ đồng bằng đến miền núi…
Mỗi câu chuyện trong tập sách này là một điển hình về sự hiểu biết và sự tham gia có trách nhiệm và đầy hứng khởi của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân… vào quá trình chuyển đổi số. Và họ đã gặt hái thành công ban đầu.
Mỗi câu chuyện là một nguồn cảm hứng, đồng thời cũng là một định hướng để dẫn dắt hay gợi mở cho những ai chưa sẵn sàng, hoặc chưa tìm ra lối vào “hành trình chuyển đổi số quốc gia” mà Chính phủ đã lựa chọn để đưa đất nước tiến lên, hòa nhịp cùng bước tiến của nhân loại.
Toàn bộ tài liệu những câu chuyện về Chuyển đổi số được đính kèm tại đây
Ý kiến bạn đọc