Phước Long! Vùng đất anh hùng rực lửa trong kháng chiến, nay đã đổi thay phát triển và khoát lên mình 1 màu áo mới, đô thị xanh – sạch – đẹp, đô thị thông minh, điểm đến lý thú không thể nào bỏ qua đối với du khách thập phương bởi sự tiếp đón thân thiện của con người nơi đây. Du khách sẽ đi từ ấn tượng này đến những ấn tượng khác, trải nghiệm nét độc đáo, giá trị riêng biệt và tận hưởng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng.
Cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 160km, thành phố Đồng Xoài khoảng 50km, Phước Long nằm ở khu vực phía bắc của tỉnh Bình Phước, nơi có vị trí địa lý quan trọng, trung tâm kết nối giao thông vùng, khu vực trong và ngoài tỉnh. Khí hậu mát mẻ, trong lành, đặt biệt có sông, có núi do tạo hóa hình thành, là nơi đáng sinh sống, lập nghiệp, đáng lựa chọn để trải nghiệm du lịch.
Tiến vào cửa ngõ chính Phước Long (từ cổng chào) nằm trên trục đường ĐT 741. Di chuyển qua cổng chào khoảng 1km, du khách sẽ được ngắm nhìn một Trung tâm thương mại sầm uất của thị xã, minh chứng rõ nét nhất cho nhịp sống của một đô thị năng động.
Di chuyển tiếp trên trục đường ĐT 741 hướng về phường Long Phước, du khách sẽ nhìn ngắm Trung tâm hành chính và khu đô thị mới thị xã Phước Long với tổng diện tích rộng 96,53 hecta. Tại nơi này, người dân và du khách sẽ được ngắm nhìn 1 đô thị trung tâm “đẹp, văn minh, hiện đại”, nằm trong tốp đầu của tỉnh Bình Phước. Điểm nhấn dễ thấy nhất ở nơi đây là thiết kế sáng tạo, hài hòa với cảnh quan môi trường sống, hoạt động bộ máy nhà nước ngày càng hiệu lực, hiệu quả vì mục tiêu duy nhất phục vụ nhân dân. Nhịp sống về đêm, du khách sẽ say đắm ngắm nhìn khung cảnh với những ngọn đèn, đài phun nước lung linh nhiều sắc màu, như một thành phố thu nhỏ nhưng không kém phần hiện đại.
Qua Trung tâm hành chính và khu đô thị mới thị xã Phước Long hướng thẳng về phường Sơn Giang, du khách sẽ không thể nào bỏ qua địa điểm du lịch tâm linh Miếu Bà Rá nằm sát trục đường ĐT 741. Miếu Bà Rá là nơi thờ cúng Bà Chúa xứ nương nương hay thường gọi là Bà Rá, được xem là tín ngưỡng thờ mẫu có ảnh hưởng đối với đời sống tinh thần của nhân dân. Vào các ngày rằm, mùng một hằng tháng hay các ngày lễ, tết, nhân dân quanh vùng và các địa phương lân cận lại đến Lễ Bà để cầu mong cho đất nước an lành, nhà nhà ấm no, gia đình may mắn. Đặc biệt, hàng năm vào các ngày 1, 2, 3 tháng 3 âm lịch nơi đây diễn ra Lễ hội Miếu Bà Rá và trở thành ngày hội của nhân dân địa phương trong và ngoài tỉnh. Đây là một hoạt động tín ngưỡng vừa mang tính cộng đồng dân gian, vừa gắn với di tích lịch sử địa phương. Đặc biệt, Lễ hội Miếu Bà Rá được chứng nhận đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể vào cuối tháng 12 năm 2019 và được công bố vào tháng 4 năm 2021.
Rời Miếu Bà, điểm đến tiếp theo mà du khách cũng khó có thể bỏ qua đó là Bảo Tàng chiến dịch đường 14 Phước Long – địa chỉ đỏ giáo dục lịch sử. Bảo tàng chứa nhiều tư liệu quý giá về hiện vật, hình ảnh, tư liệu lịch sử quân và dân Phước Long trong kháng chiến, thời kỳ đổi mới, xây dựng và phát triển của quê hương Phước Long anh hùng.
Từ vị trí Tượng Đài chiến thắng Phước Long, Bảo Tàng chiến dịch đường 14 Phước Long di chuyển về hướng Thủy điện Thác Mơ, du khách sẽ được đi ngang qua một cây cầu là nhân chứng sống cho tội ác của Mỹ- Ngụy. Nơi đây đã có hơn 300 đồng bào bị tử nạn vào ngày 04/01/1975, trước thất bại liên tiếp và để ngăn chặn bước tiến của quân ta, địch đã dùng máy bay chiến đấu điên cuồng ném bom vòng ngoài của thị xã Phước Long, gây nên sự đau thương, mất mát vô cùng to lớn, trở thành một chứng tích mãi mãi không thể nào quên. Để ghi nhớ sự hy sinh của hơn 300 đồng bào Phước Long tử nạn, năm 2003, Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Mơ phối hợp UBND huyện nay là thị xã Phước Long xây dựng bia tưởng niệm tại khu vực cầu Đăk Lung. Ngày 9/12/2020, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Di tích lịch sử “Nơi ghi dấu tội ác của Mỹ - ngụy tại cầu Đăk Lung”.
Dừng chân ở di tích trên, phía đối diện, du khách còn có thể tham quan Nhà máy Thủy điện Thác Mơ: Công trình nằm trên thượng nguồn Sông Bé thuộc 3 địa phương huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập và thị xã Phước Long. Tham quan, chụp hình lưu niệm ở Đập thủy điện.
Điểm dừng chân tiếp theo trước khi di chuyển lên Núi Bà Rá, du khách tín đồ theo đạo hoặc hướng đạo còn thể tham quan, thăm viếng Trung tâm Hành Hương Đức Mẹ Vô Nhiễm Thác Mơ nằm ở địa phận khu phố 2, phường Thác Mơ (vị trí dưới chân núi). Đức mẹ Thác Mơ rất linh thiêng với tín đồ theo đạo công giáo. Hàng năm vào ngày 8/12 dương lịch nơi đây diễn ra thánh Lễ lớn trong năm (hay còn gọi là Lễ Thác Mẹ), thu hút rất đông tín đồ, du khách.
Một thắng cảnh nổi tiếng, du lịch văn hóa tâm linh mà bất kỳ du khách không thể nào rời mắt được chính là Núi Bà Rá. Truyền thuyết kể rằng vị tổ của người S’Tiêng có hai người em gái; ông đắp núi Bà Đen cho cô em gái đầu và đắp núi Bà Rá cho người em gái thứ hai để trấn giữ đất đai của người S’Tiêng. Đồng bào S’Tiêng gọi ngọn núi này với cái tên đầy thành kính: “Bơnom Brah”, có nghĩa là “ngọn núi Thần” hay “Thần Núi Yang Yumbra” là vị thần được tôn thờ trên đỉnh Bà Rá. Đồng bào Khmer gọi là núi “ Chân Phật”. Trong lịch sử kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, do có địa hình hiểm trở nên núi Bà Rá là căn cứ hoạt động của những chiến sĩ cách mạng và ghi dấu nhiều chiến công anh dũng kiên cường của quân và dân Phước Long xưa. Giữa 1 vùng đồi thấp nhấp nhô lên một ngọn núi cao, cây cối xanh tươi, rậm rạp. Với độ cao 723m so với mực nước biển, núi có độ cao xếp thứ 3 khu vực Đông Nam Bộ, được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận di tích lịch sử văn hóa năm 20/04/1995. Ngọn núi đứng vươn cao mang vẻ đẹp kỳ vĩ giữa lòng đô thị Phước Long. Từ vòng xoay dưới dân núi, du khách có thể đi bộ hoặc dùng phương tiện ô tô, mô tô lên đồi bằng lăng. Tại đồi bằng lăng, ngoài tham quan cảnh đẹp tự nhiên, hoang sơ của núi rừng, du khách thắp nén tâm hương tri ân tại Nhà bia tưởng niệm và “Đền thờ liệt sĩ và đồng bào tử nạn núi Bà rá”. Từ đây, du khách sẽ bước vào cuộc hành trình chinh phục đỉnh núi Bà Rá với 2 cách: một là đi bộ 1.767 bậc tam cấp lên đỉnh núi, khi đi bộ du khách sẽ được hòa quyện vào thiên nhiên với màu xanh của cây rừng, ngắm nhìn nhiều loại cây với tuổi đời trăm năm tuổi; cách thứ 2 lên đỉnh núi khá dễ dàng là dùng phương tiện đi theo con đường bê tông mất khoảng 5 phút sẽ lên đỉnh núi. Và khi lên đỉnh núi Bà rá, du khách sẽ được tham gia các hoạt động trải nghiệm về văn hóa tâm linh, lịch sử lâu đời của vùng đất này, chiêm bái, cầu nguyện những điều tốt lành, bình an bên trong khu Đền – Chùa núi Bà Rá, nơi có thờ Đức Thánh Mẫu Thiên Hậu Bà Rá - linh thiêng. Đồng thời đứng trên đỉnh núi Bà rá, du khách như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh, quên đi mọi ưu phiền, mệt nhọc, tận hưởng khí trời mát mẻ, trong lành, cùng làng gió thoang thoảng từ phía lòng Hồ Thủy điện Thác Mơ, ngắm cảnh lòng hồ có diện tích rộng khoảng rộng 109 km2, như được hòa mình vào một không gian rộng lớn để cùng ngắm nhìn toàn cảnh Trung tâm hành chính và khu đô thị mới thị xã Phước Long. Chính cảnh đẹp non nước, hữu tình này đã khiến cho tất cả chúng ta dù ở Phước Long hay ở bất cứ nơi nào cũng mong muốn đến đây để được thưởng ngoạn. Đứng trên đỉnh núi Bà Rá Phước Long như một bức tranh thủy mặc, thơ mộng và hùng vĩ biết bao, bao phủ là sông với luồng hơi nước mát, núi Bà Rá như lá phổi xanh. Thật đẹp, thật say đắm lòng người, khi đứng ở nơi này là lúc con người với thiên nhiên như không hề có khoảng cách, một cảm giác như gần với trời với đất như muốn hòa vào mây vào gió để cùng nhau tận hưởng cảm xúc.
Từ trên đỉnh núi Bà Rá, nhìn xuống hướng Đông Bắc, qua cầu Thác Mẹ, du khách còn có thể ngắm toàn bộ diện tích khu phố 5, phường Thác Mơ – địa bàn bao quanh bởi lòng Hồ Thủy điện Thác Mơ, suối đá (thuộc dòng chảy cửa xã Đập tràn thủy điện). Nơi đây có khung cảnh tuyệt đẹp để phát triển du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng.
Còn nhìn về hướng Tây Bắc, du khách có thể tận mắt nhìn thấy cảnh đẹp của cánh đồng Sơn Long. Hiện nay, cánh đồng là điểm thu hút du khách tham quan ưa thích du lịch trải nghiệm thực tế. Đặc biệt vào cao điểm ngày nghỉ, lễ, tết có hàng trăm lượt khách mỗi ngày đến đây ngắm cảnh, chụp h́nh, t́m hiểu việc trồng trọt của người nông dân. Nơi đây, dự kiến sẽ được đầu tư hạ tầng kết nối khu dân cư và nông nghiệp công nghệ cao.
Thị xã Phước Long hiện đã hình thành các loại hình du lịch tiềm năng, là cánh cửa lớn mở ra cho những ai đang tìm kiếm một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, là cơ hội để các nhà đầu tư ngành công nghiệp không khói được khởi sắc một cách bền vững. Vì vậy tỉnh nhà đã hỗ trợ, điều kiện thuận lợi, tạo hành lang pháp lý thông thoáng để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư, mở rộng thị trường du khách và phát triển bền vững các nguồn tài nguyên du lịch, đồng thời giải quyết nguồn lao động tại chỗ… tạo nên một hướng đi chiến lược, sớm đưa Phước Long vươn mình hóa rồng như tên gọi, đón đầu phát triển du lịch, kết nối du lịch sang các vùng lân cận.
Với những giá trị riêng biệt, trên có núi, dưới có sông, bao quanh là con người Phước Long đằm thắm nghĩa tình nhân ái luôn mở rộng vòng tay chào đón khu khách thập phương đến với miền đất hứa.